MÔI TRƯỜNG THÂN THIỆN TRONG TRƯỜNG MẦM NON

Một nhân cách tốt sẽ nảy nở trong một môi trường thân thiện”
   Đó là một thông điệp về ” Xây dựng môi trường mầm non thân thiện” trong Trường Mầm non.

Nhân cách và vẻ đẹp nội tâm của con người được hình thành ngay từ tuổi còn thơ. Không có gì quí hơn, khi bất cứ ở đâu, đi đến đâu bạn cũng luôn được người khác trao cho những ánh mắt, nụ cười, lời nói, cử chỉ… thiện cảm với bạn. Nếu được vậy, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, tự tin trong giao tiếp, sinh hoạt cuộc sống và quan hệ. Tuy nhiên, làm thế nào để có được điều đó, tất cả là phụ thuộc vào chính bản thân bạn, như về tính tình, tính cách, nhân cách, nhân văn, chút vốn văn hóa của bạn.

– Nét đẹp của nhà Giáo dục:

Xây dựng môi trường MTTT trong nhà trường không phải chỉ môi trường, cơ sở vật chất bên ngoài nhưng quan trọng hơn cả là chất người trong tâm hồn giúp cho mỗi cá nhân tự hoàn thiện về nhân cách bản thân, hướng tới cái đẹp của chân, thiện, mỹ.

Trong một xã hội Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, ngày càng văn minh, hiện đại thì những người làm công tác Giáo dục càng phải là một tấm gương sáng chói trong cử chỉ, lời nói, hành vi, trang phục. Tự học và sáng tạo ấy càng cần được thể hiện, phải có một lối sống thật thà xuất phát từ cuộc sống chân thực và tâm lý sâu sắc, không làm những điều mà mình và người khác không mong muốn. Điều này không phải tự nhiên mà có, nó càng không thể xây dựng trên một nền tảng tâm hồn và trí tuệ nghèo nàn, nhưng nó là kết quả của cả một quá trình nhận thức và rèn luyện không ngừng của bản thân, để mỗi Giáo viên có phong cách ứng xử thật văn hoá với đồng nghiệp của mình? Văn hoá ứng xử trong nghề nghiệp giữa các đồng nghiệp với nhau là nét đẹp trong giao tiếp giữa những con người đang ngày đêm đang truyền đạt tri thức, văn hoá cho nhân loại.

Danh y Lê Hữu Trác đã viết: “Khi gặp những người cùng ngành nghề, nên khiêm tốn hoà nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ xem hơn. Đối với người cao tuổi thì nên cung kính lễ phép. Đối với người giỏi hơn mình thì phải tôn thờ như bậc thầy. Đối với kẻ kiêu ngạo thì nhún nhường. Đối với những người non nớt thì nên dìu dắt giúp đỡ họ“. Có thực hiện được như vậy thì gương sáng mới lan tỏa, mới truyền đạt những gì mình đã sống và đã làm đến với những người xung quanh, đặc biệt với những tâm hồn trẻ thơ là niềm tin của đất nước mà chúng ta đang có trách nhiệm.

Hình thành nhân cách cho trẻ là nhiệm vụ rất quan trọng trong các cơ sở giáo dục mầm non và các bậc cha mẹ trẻ. Khoa học tâm lý đã khẳng định rằng khi hết tuổi mầm non, ở đứa trẻ đặt xong nền móng đầu tiên của nhân cách, sự phát triển về mặt đạo đức cho trẻ sau này đều mang rõ dấu ấn của thời ấu thơ. Vì thế, từ lứa tuổi này chúng ta phải chăm lo phát triển toàn diện cho trẻ, và hình thành nhân cách cho trẻ theo phương hướng, yêu cầu mà xã hội đề ra .

– Hình ảnh đẹp trong mắt trẻ thơ:

Xây dựng mối quan hệ tình cảm, thân thiện giữa GV và Trẻ là cái đẹp nhân bản kết tinh từ những tinh hoa của nhân loại, từ đó tạo ra mối quan hệ lành mạnh giữa trẻ với nhau. Đây chính là nền tảng vững chắc nhất để duy trì sự tồn tại và phát triển xã hội. Chúng ta phải làm thế nào để có một trái tim nhân hậu của người mẹ hiền? (cô giáo như mẹ hiền).

Bản chất nơi con người Giáo viên là quan sát, xây dựng nội dung giáo dục phù hợp, sáng tạo và linh hoạt, là người tổ chức, quan sát và điều chỉnh. Tôn trọng nhau, công bằng với mọi thành viên, quan tâm đến nhau, cư xử lịch sự trước mặt trẻ, nên thẳng thắn một cách lịch sự , tránh nói xấu nhau.

Những hình ảnh mẫu mực đó luôn là những tấm gương cho trẻ nhìn vào và học tập. Đó là một cách hiệu quả để dạy trẻ biết thế nào là sống tốt với mọi người, hãy làm gương tốt. Trẻ con bắt chước rất nhanh, kể cả thói xấu của người lớn, trẻ có thể học hỏi tất cả những đặc điểm của một tính cách tốt như quan tâm, tôn trọng, tự điều khiển, chia sẻ, cảm thông, khoan dung, kiên trì, an ủi, công bằng và lương tâm. Vì tâm hồn trẻ như là tờ giấy trắng, trẻ sẽ vẽ lên, bắt chước và in vào tâm trí tất cả những gì trẻ đã thấy những công việc người lớn đã làm. Trẻ làm theo những gì người lớn làm chứ không phải những gì người lớn nói. Vì vậy, ta phải tạo cho trẻ một tâm lý tin cậy, mong muốn chia sẻ, gần gũi giữa cô và trẻ. Luôn cư xử với thái độ ân cần, niềm nở, biết lắng nghe, trò chuyện, vui chơi, chia sẻ cảm xúc kinh nghiệm… “Học mà chơi, chơi bằng học”chú trọng phát triển kỹ năng xã hội trong các hoạt động, tôn trọng, giải quyết các xung đột, kiềm chế…

Dạy trẻ thoải mái tự tin trước đám đông, tôn trọng ý kiến cá nhân, dạy trẻ phát biểu, tránh áp đặt…từ đó hình thành thói quen suy nghĩ một cách độc lập nơi trẻ, không định kiến với trẻ.

Động viên sự lạc quan, tự tin vào bản thân khi trẻ gặp khó khăn thất bại. Kiên nhẫn với trẻ, tránh thúc ép, căng thẳng khi luyện tập kỹ năng cho trẻ. Không hù dọa, chê bai , trách mắng, đánh trẻ…

– Ân cần với Phụ huynh:

Sự trao đổi thông tin với Phụ huynh về tình hình trẻ trong ngày cũng là một điều rất quan trọng trong lãnh vực giáo dục. Vì gia đình là cái nôi đầu tiên được trẻ lớn lên và nền móng hình thành nhân cách cho trẻ, có ảnh hưởng nhiều nhất đối với trẻ. Vì vậy, giáo viên phải tạo sự gần gũi, an tâm cho cha mẹ trẻ. Không nhận xét tiêu cực về trẻ với cha mẹ bé, chỉ thông báo tình hình, nên có giải pháp, lời khuyên tích cực.

Thường xuyên tổ chức cho Phụ huynh tham quan các hoạt động ở lớp thông qua hoạt động vui chơi, bữa ăn, những ngày hội lễ… để tăng thêm sự hiểu biết, cùng với nhà trường chăm sóc giáo dục trẻ tốt hơn.

Giáo viên luôn thể hiện sự gương mẫu, có trách nhiệm và luôn cầu tiến. Công bằng, không thiên vị và không định kiến.

Là người làm công tác quản lý giáo dục hơn 20 năm nay, trước những đòi hỏi ngày càng cao của việc giáo dục trẻ lứa tuổi Mầm non, tôi nhận thấy đã đến lúc cần có một cái nhìn khách quan hơn với trẻ em, đối tượng được giáo dục, chính việc thực hiện xây dựng môi trường thân thiện ngay tại trường mầm non này, đã giúp trẻ ý thức về tương quan tình cảm quan hệ xã hội giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với người lớn, giữa trẻ với chính bản thân và môi trường, nhất là có ý thức bảo vệ môi trường đang bị xuống cấp bởi sự thờ ơ, lãnh đạm của con người.

Đối với người Giáo viên việc xây dựng môi trường thân thiện trong lớp học của mình, được ví như là những cánh hoa thơm lan toả về muôn nẻo đường, những tình cảm tốt đẹp đối với trẻ thơ là những ấn tượng khó quên trong lòng mỗi trẻ em mầm non tương lai của đất nước. Như thế sẽ nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp làm tăng sự phát triển đạo đức của con trẻ.

Hơn thế nữa, để có được một nền giáo dục phát triển tốt, từng người phải không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ cũng như nỗ lực trau dồi những kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhà trường, gia đình và xã hội hãy cùng nhau xây dựng một nền móng vững chắc cho trẻ về tri thức văn hóa, cách sống, phát triển toàn diện cho trẻ thành những con người mới, những công dân chân chính của tương lai. Chỉ có thể hình thành nếu ngay từ tuổi mẫu giáo chúng ta biết đầu tư đúng lúc, vun trồng công phu, biết phát huy tính chủ động và sáng tạo cùng chăm lo hướng về xã hội ngày mai.

Ước mong sao, toàn dân trong xã hội với sự ý thức cao, chúng ta không ngừng phát huy ý thức xây dựng xã hội trong mối tương quan thân thiện của mình với người khác và môi trường, bằng cả một trái tim biết vì lợi ích chung cho mọi người,

Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Nga
Hiệu phó chuyên môn trường Duy An